Gỗ mỹ nghệ là lựa chọn gắn bó cả cuộc đời chị Vũ Thị Mai và anh Chử Văn Hướng – Nghệ nhân Bàn tay vàng ngành thủ công mỹ nghệ. Gần 30 năm lăn lộn với nghề, anh chị Hướng – Mai vẫn không ngừng cách tân, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đưa Công ty đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai phát triển lớn mạnh, và góp phần không nhỏ đưa thương hiệu gỗ Đồng Kỵ nổi tiếng khắp cả nước.

Từ thực tế đi lên và vượt qua chính mình

Chào chị Mai, bước đi khởi nghiệp ban đầu hẳn gặp nhiều thách thức, chị đã vượt qua gian khó thế nào?

Tôi đến với nghề, yêu nghề cũng bởi chữ “duyên”. Sinh ra ở làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh, gia đình đã mấy đời gắn bó với nghề, tiếng đục, tiếng mài, tiếng chạm trổ gỗ đã “ngấm” vào máu tôi từ nhỏ. Hồi bé, được bố mẹ dẫn đi đền, chùa, nhìn ngắm những đường nét trạm trổ tinh xảo, tôi đã thấy yêu từ lúc nào không hay. Được gia đình truyền nghề từ bé, việc gì tôi cũng từng làm qua, những gì tôi trải qua giống như là một người bắt đầu  từ con số không, việc gì cũng phải làm. Đến khi lấy chồng là nghệ nhân Chử Văn Hướng, cả hai chúng tôi cùng chí hướng và quyết tâm theo nghiệp ông cha. Tôi lo kinh doanh, anh thì chuyên tâm với nghề. Bước chân vào thương trường không hề bằng phẳng, tôi từng bị lừa đảo, mất cả trăm triệu (hồi năm 2000). Trong những lúc gặp khủng hoảng, hàng bán chậm, bị tồn đọng, xuất khẩu ra nước ngoài gặp hạn chế, rất khó khăn, tôi quyết định phải đi học, từ học bổ túc văn hoá, đến học Trường Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, rồi sang Nhật học các chương trình quản trị nguồn nhân lực Việt Nam cấp cao của Nhật Bản – khoá học ấy làm cho mình sáng ra, tốt hơn, lấp đầy các lỗ hổng kiến thức, bổ trợ hữu hiệu cho công việc quản trị kinh doanh, tài chính… Và biết được cách làm thế nào để vượt qua được chính mình.

Chị Vũ Thị Mai được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V tuyên dương Chi hội trưởng xuất sắc (11.10.2020) (người mặc áo dài đứng giữa, cạnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Chị Vũ Thị Mai được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V tuyên dương Chi hội trưởng xuất sắc (11.10.2020) (người mặc áo dài đứng giữa, cạnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

Sứ mệnh là phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ tốt hơn

Giá trị của việc chị dành thời gian đi học hỏi nhiều khoá học về quản trị doanh nghiệp, tài chính ở trong nước và nước ngoài đã cho chị có tầm nhìn và thay đổi ra sao?

Các khoá học đó cho mình khai mở tầm nhìn, định hướng rõ ràng hơn, có cái nhìn đa chiều hơn. Sau đó mình nhận ra sứ mệnh của mình là làm cho nghề truyền thống của làng Đồng Kỵ tốt hơn, đào tạo thế hệ kế cận phát triển bền vững, phát huy vốn quý của ông cha để lại; cũng như là bảo tồn, gìn giữ, và xây dựng một thương hiệu Hướng Mai ngày càng tốt hơn, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động thoát nghèo. Đó là điều tôi rất tâm đắc. Phương châm của tôi là: lấy chữ Tâm làm nền tảng; Tôn trọng con người; Uy tín chất lượng hàng đầu; Không ngừng thay đổi, cải tiến và sáng tạo; Mang đến cho khách hàng niềm vui. Hướng Mai luôn sáng tạo cải tiến những mẫu sản phẩm mới, bền, đẹp, và chịu khó lắng nghe trái tim của khách hàng, những mong muốn của họ, bởi nhiều người vẫn thích đồ gỗ quý để trường tồn trong nhà, thân thiện với môi trường, tốt cho cuộc sống con người.

Bà Vũ Thị Mai chụp cùng phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Cao cấp và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0
Bà Vũ Thị Mai chụp cùng phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Cao cấp và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0

Chị còn nhớ cảm xúc của mình thế nào trong buổi vinh danh là một trong những điển hình tiên tiến xuất sắc tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V tuyên dương Chi hội trưởng xuất sắc, ngày 11.10.2020?

Trong buổi vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước đó, tôi được gặp trong số hơn 300 nông dân toàn quốc, vượt khó trở thành “đại gia hai lúa”, tôi thực sự thấy xúc động, và hạnh phúc khi thấy đất nước ghi nhận thành quả của những người nông dân thực sự. Bản thân mình cũng như những người trong Đại hội, họ không vì danh, họ nỗ lực hết mình trong quá trình sản xuất làm sao cho hiệu quả tốt hơn. Chẳng hạn như bên đồ gỗ mình đã cải tổ quản trị công việc sao cho hiệu quả cao nhất,  mang tới những giá trị tốt nhất cho sản phẩm, chế tác tinh xảo, và phải trẻ hoá sản phẩm, đa dạng mẫu mã cho phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng, mang đẳng cấp quốc gia. Với bàn tay khối óc, sự lao động cần cù, thông minh của con người Việt Nam, hoàn toàn có thể làm được những việc khó, bắp kịp xu hướng. Thời công nghệ 4.0, “hoá số” được các sản phẩm vào trong phần mềm. Tôi nghĩ rằng, những người nông dân được tôn vinh trong Đại hội thi đua yêu nước là những người rất ham học, dám nghĩ, dám làm, cải tổ, cải tiến, phát triển doanh nghiệp của mình, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giúp đỡ được ngành nghề của mình, có sự lan toả tích cực trong cộng đồng, đó cũng một tấm gương để mọi người nhìn vào cố gắng. Nếu từng người, từng người một đều làm được tốt, mọi người thoát nghèo thì đất nước sẽ nhanh chóng tốt đẹp, thịnh vượng.

Bà Vũ Thị Mai trên mặt bìa tạp chí
Bà Vũ Thị Mai trên mặt bìa tạp chí

Người “định vị” ra tất cả những sản phẩm đẹp là anh xã

Anh xã Chử Văn Hướng là nghệ nhân bàn tay vàng, hẳn là giúp chị rất nhiều trong thiết kế những đồ gỗ đẹp rất có hồn?

Đúng vậy. Anh xã Chử Văn Hướng được trao danh hiệu Nghệ nhân Bàn tay vàng ngành thủ công mỹ nghệ. Anh luôn trau chuốt hồn cốt trong từng sản phẩm. Anh vừa giúp thiết kế, quản trị sản xuất,… trong quá trình sáng tạo ra mỗi sản phẩm có đường nét đẹp ra sao, nghệ thuật thế nào, thì anh ấy gần như là một người định vị ra tất cả các sản phẩm đẹp. Còn tôi là người quyết định làm thế nào đưa những sản phẩm ấy ra thị trường, được khách hàng đón nhận và yêu thích. Anh là người chính, vợ là người hỗ trợ cho chồng có dòng tiền đảm bảo duy trì sản xuất, phát triển.

Theo tạp chí Gia đình & Trẻ em

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *