Chiều 4/2, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã gặp mặt Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và Đoàn doanh nhân tiêu biểu của Hội.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên trước những thách thức to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; những tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống, sự bất định trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới; cùng với những tồn tại, hạn chế trong nội tại nền kinh tế đất nước chưa được khắc phục; tác động của hậu COVID-19,… đã tạo ra những bất lợi, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế đất nước nói chung, cũng như khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo điều hành, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không chỉ giúp cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, mà còn củng cố niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân đối với đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế hội nhập, tự chủ, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều cho biết, sáng nay (2/4), Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nhân tư nhân lần thứ 2. Diễn đàn đã tập hợp nhiều ý kiến sâu sắc của đội ngũ doanh nhân, chuyên gia kinh tế,… để đóng góp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý điều hành kinh tế thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nhân tư nhân tiêu biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, phù hợp với quy mô và đặc thù của từng phân khúc doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp,…

Theo đó, các doanh nhân kiến nghị, nhà nước cần có các chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững, cạnh tranh bình đẳng, tạo ra những bước đột phá phát triển doanh nhân tư nhân. Có chính sách bảo hộ thương hiệu quốc gia, doanh nhân tư nhân đã đạt được.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn trong trạng thái “ngủ đông” sau đại dịch COVID-19, đại diện doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách phù hợp, hiệu quả để đánh thức, khích lệ doanh nhân, doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo ra những giá trị mới cho đất nước. Cộng đồng doanh nhân tư nhân Việt Nam cam kết sẽ mang hết Tâm – Tài – Trí – Tín để cống hiến, phụng sự cho sự phát triển của đất nước.

 

Về vấn đề vốn, đại diện doanh nghiệp cho rằng: “Tiền là máu của nền kinh tế”, doanh nghiệp thiếu vốn như thiếu máu, dễ bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.

Do đó, tiếp cận vốn là vấn đề rất quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm, “lấy tâm làm trọng, lấy kết quả để khẳng định mình”, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ nhân lực, thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đại diện các doanh nghiệp tư nhân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải chủ động để nâng cao năng lực tài chính, chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ nhân sự, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, về tín dụng nói riêng, đảm bảo sử dụng nguồn vay an toàn, hiệu quả để gia tăng cơ hội thành công của mình.

Đại diện các doanh nhân cũng kiến nghị một số giải pháp về tài chính để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay như: Tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua các gói tín dụng ưu đãi; tiếp tục có giải pháp giảm thuế, phí phù hợp; nhanh chóng điều chỉnh triệt để hành lang pháp lý về thị trường trái phiếu; tăng cường giám sát, điều tiết về tín dụng, tránh rủi ro cho toàn thị trường và doanh nghiệp;…

Doanh nghiệp cũng kiến nghị tạo thuận lợi trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận hệ thống thông tin pháp lý; giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, loại bỏ các rào cản thị trường “giấy phép con”, gắn với chế độ giám sát việc thực thi thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển; khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp;…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *