Lấy chữ tâm để kinh doanh, nữ doanh nhân Vũ Thị Mai luôn mang trong mình nhiệt huyết làm đẹp cho đời, làm đẹp cho nghề truyền thống.
Năm 1990, vợ chồng doanh nhân Chử Văn Hướng và Vũ Thị Mai – hai người con của làng nghề Đồng Kỵ “khởi nghiệp” mở xưởng sản xuất đồ gỗ Hướng Mai dù cái nghiệp với gỗ đã gắn với bà từ lúc còn… trong bụng mẹ.
Đến ngày hôm nay, khi đã điều hành một doanh nghiệp quy tụ 200 – 300 thợ tay nghề cao, làm việc tại 5 xưởng sản xuất và một nhà máy rộng 3.000m2; doanh nhân Vũ Thị Mai vẫn luôn truyền tinh thần yêu nghề, ý thức làm việc với trách nhiệm cao, xuất phát từ cái tâm như vậy đến với những người cộng sự, với khách hàng của mình
1. Là một người con của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề, thương và trân trọng những thăng trầm của làng nghề qua bao thế hệ. Vì vậy, “làm giàu” không phải điều mà bà Vũ Thị Mai – Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai hướng tới nữa, mà với bà, mong muốn thắp lửa, phát triển hơn nữa làng nghề gỗ Đồng Kỵ mà tổ tiên để lại đang trở thành mục tiêu hàng đầu của Hướng Mai.
Đại dịch COVID-19 tác động tới rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhưng Hướng Mai không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Ở một góc độ khác, bà Mai cho rằng đại dịch là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp yếu kém, dành cơ hội cho những doanh nghiệp có năng lực nắm bắt thị trường tốt hơn. Xây dựng thương hiệu cũng giống như xây một ngôi nhà, khi chưa nắm bắt được khách quan từ môi trường biến đổi liên tục thì phải xây dựng nền móng thật vững chắc. Điều đó có nghĩa là đây là giai đoạn các doanh nghiệp cần xây dựng lại nền móng, làm thật kỹ, thật tinh những sản phẩm tinh hoa của mình.
Là người con của làng nghề, bà Mai cũng trăn trở khi Việt Nam có rất nhiều làng nghề bị xóa sổ. “Để có được một làng nghề không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà còn là thời gian. Bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ tâm huyết mới có được một làng nghề, vì vậy để mất đi bất cứ một làng nghề nào cũng là một điều rất đáng tiếc”.
“Tôi đã có rất nhiều cán bộ, công nhân viên được học nghề từ công ty của mình, nhiều nhân viên có công ăn việc làm ổn định, có nhiều người có cùng tâm huyết, yêu nghề giống mình, có nhiều khách hàng đã trở thành những người bạn, yêu và trân trọng sản phẩm của làng nghề.
Đây là cái “Được” có ý nghĩa và giá trị hơn tất cả đối với Hướng Mai.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua với nỗ lực tạo sự khác biệt cho các sản phẩm, bà Mai đã dầy công tìm tòi, học hỏi, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về văn hóa – phong thủy tại Công ty, mời các chuyên gia nghiên cứu văn hóa – phong thủy giỏi và uy tín trên cả nước để tư vấn, trao đổi, “thổi hồn” cho các sản phẩm đồ gỗ truyền thống cũng như mang lại những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần khi khách hàng mua các sản phẩm.
“Điều khó khăn nhất là làm sao truyền lửa được cho nhân viên, cho các nghệ nhân để họ hiểu rằng mỗi sản phẩm làm ra phải có một tác phẩm nghệ thuật chứ không hẳn là một miếng gỗ vô tri vô giác làm thành sản phẩm để bán”, bà Mai chia sẻ.
Khách hàng mua đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, bên cạnh sự yên tâm về chất lượng gỗ, hài lòng về chất lượng, còn cảm thấy rất vui vì cảm nhận được yếu tố may mắn, hạnh phúc hòa quyện trong mỗi sản phẩm. Rất nhiều khách hàng bày tỏ “Mua đồ gỗ Hướng Mai may mắn lắm”.
Nhanh nhẹn và cởi mở, gần 30 năm lăn lộn trên thương trường, để thành công được như bây giờ, nhiều người bảo, bà Mai hẳn phải có bản lĩnh lắm, bản lĩnh thép chứ không ít.
“Hạ cái tôi thấp xuống, khát vọng lan tỏa sản phẩm, thương hiệu của quê hương vượt lên trên cái tôi, vượt lên cái vị kỷ cá nhân tầm thường – chỉ có như vậy các làng nghề việt mới có thể có tên trên bản đồ thế giới”.
Bởi thế, gặp rồi chuyện trò, thăm xưởng chế tác và cả khu trưng bày sản phẩm của Công ty Hướng Mai, càng thấy yêu mến hơn vẻ đằm thắm nhưng đầy bản lĩnh của “bông hồng thép” Vũ Thị Mai.
Ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn, người tiêu dùng Việt quay lưng với đồ gỗ Đồng Kỵ, bà Vũ Thị Mai vẫn quyết tâm làm và “thổi hồn Việt” vào trong những sản phẩm gỗ tưởng vô tri ấy. Đã có những thành công, đã thành danh, nhưng trong người phụ nữ quyết đoán và nhanh nhạy này còn nhiều điều ấp ủ.
Vẫn đau đáu làm sao phát triển thương hiệu làng nghề? Làm sao để Công ty Hướng Mai phát triển mạnh mẽ hơn nữa? Làm sao để tay nghề chạm khắc gỗ của những nghệ nhân Đồng Kỵ không bị mai một?…
Những câu hỏi cứ không thôi day dứt nữ doanh nhân này.
-Được coi là “nữ tướng” với bản lĩnh thép trong nghề, thời gian bà dành cho gia đình liệu có bị phân chia?
Là một người phụ nữ thì ao ước lớn nhất là được làm người phụ nữ đúng nghĩa, 24/24 được phục vụ chồng con, gia đình, dành toàn tâm toàn ý với tình yêu cho gia đình mà không phải lo công việc xã hội, kinh doanh. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình dành thời gian quá ít cho con.
Tuy nhiên, trách nhiệm với công việc kinh doanh của gia đình, trách nhiệm với nghề, báo hiếu với tổ tiên, tôi nghĩ mình phải hy sinh thời gian, bỏ tâm huyết vì công việc kinh doanh gần 30 năm nay. Và tôi tự hào về điều đó.
– Đằng sau thành công của người đàn ông là một phụ nữ tần tảo, đằng sau thành công của một “nữ tướng” là?
Là chồng tôi. Chồng tôi là một nghệ nhân, đã là nghệ nhân thì họ rất chăm chút đến công việc và thổi hồn vào sản phẩm. Khi đam mê và say đắm với việc của mình họ không thể vừa làm giỏi, vừa đi gặp gỡ khách hàng, không thể mỗi chân đứng một thuyền.
Ông xã toàn tâm toàn ý làm một nghệ nhân, ngoài chăm chút từng sản phẩm còn phải đào tạo các lớp kế cận, còn tôi là người bán hàng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng… của khách hàng. Chính vì vậy “rất muốn lui về hậu phương” nhưng tôi khó dứt ra khỏi công việc được.
– Ở công ty Hướng Mai, phụ nữ… có “đặc quyền” không, thưa bà?
Là phụ nữ, tôi rất vui khi rất nhiều những nhân viên nữ của mình trở thành những người phụ nữ thành đạt. Hướng Mai là cái nôi nuôi dưỡng họ để họ trở thành người phụ nữ thành đạt, là người biết sống, cống hiến và phụng sự cho gia đình và đất nước.
Cũng từ nơi này, nhiều mối quan hệ đã trở thành tình thầy trò chứ không còn là mối quan hệ giữa nhân viên là sếp. Mỗi dịp Tết, lễ… các bạn nhân viên cũ dù đã không còn làm việc tại công ty cũng vẫn thường đưa cả gia đình sang nhà chúc tết, biếu bánh trái…
Nhân viên của Hướng Mai ngoài được học nghề, làm việc, cũng thường được công ty tổ chức cho nhân viêncác chương trình học “Thắp lửa trong tim”, học về thái độ sống tốt đẹp, nuôi dưỡng tình yêu thương… để mỗi một người phụ nữ cũng như tất cả nhân viên của công ty được phát triển, nâng cao bản thân.
– Xin cảm ơn bà!