Chữ “duyên”

Đón tôi tại showroom Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai nằm ở vị trí đắc địa nhất làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) trong cái rét chiều cuối năm, chị Mai nở nụ cười tươi rói và nồng hậu.

doanh nhân Vũ Thị Mai.
Doanh nhân Vũ Thị Mai.

Đôi lần gặp chị Mai ngoài đời và cũng đã đọc không ít bài viết về chị, nhưng sự cởi mở, chân thành ngay khi mới gặp khiến tôi cảm thấy, hình như chị có phần “hiền” hơn những gì mà mọi người thường kể về chị.

Với những ai quen biết người phụ nữ cởi mở này, chắc sẽ chẳng xa lạ với những câu chuyện suốt 28 năm lăn lộn với nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ của chị Vũ Thị Mai.

Chị đến với nghề, yêu nghề cũng bởi chữ “duyên”. Làng Đồng Kỵ làm đồ gỗ đã có truyền thống đến 700 năm, gia đình chị cũng đã mấy đời theo nghề này. Thế nên, tiếng đục, tiếng mài, tiếng chạm trổ gỗ đã “ngấm” vào máu chị từ nhỏ.

Chị kể: “Lúc mới 9, 10 tuổi, được bố mẹ dẫn đi đền, chùa và nhìn những đường nét trạm trổ, chị đã thấy yêu mà chả biết tại sao”. Đến khi lấy chồng là nghệ nhân Chử Văn Hướng, cả hai anh chị cùng chí hướng và quyết tâm theo nghiệp ông cha. Chị thì lo kinh doanh, anh thì chuyên tâm với nghề.

Dĩ nhiên, để thành công như bây giờ, bước đường trên thương trường của chị không hề bằng phẳng. Những gia đình cũng kinh doanh trong nghề lâu năm mà biết chuyện vẫn nể phục khi nhắc lại hành trình ấy.

Chuyện là, chị Mai từng gặp phải kẻ lừa đảo, mất trắng cả trăm triệu, mà những năm 2000, trăm triệu đồng rất lớn. Thế mà chị vẫn cười…

Hay thời điểm những năm 2005 – 2006, để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, không ít thương nhân Trung Quốc đã tìm đến Đồng Kỵ để đặt mua hàng với số lượng lớn. Trong vòng xoáy ấy, Hướng Mai cũng như không ít xưởng gỗ khác trong làng chuyển hướng sang sản xuất gia công với số lượng lớn, mà quên mất giá trị cốt lõi là sự tinh xảo, hồn cốt lâu đời của gỗ Đồng Kỵ, rồi bán với giá rẻ.

Nhưng sự lạc quan, an yên trước những sóng gió ấy của chị không tự nhiên mà có. Đó là sự từng trải sóng gió trong cuộc đời và sự giác ngộ Phật pháp. Chị kể, cái duyên đưa chị tìm đến đạo Phật cũng xuất phát từ sau những bế tắc trong cuộc sống và kinh doanh.

Chị bảo, doanh nhân có đạo Phật sẽ biết sống tùy duyên, kinh doanh vui vẻ, hoan hỉ để công việc thuận lợi, từ đó cơ hội sẽ đến nhiều hơn. Nếu nghịch duyên, họ cũng biết cách chấp nhận và vượt qua, không cảm thấy phiền não.

Nhờ vậy, khi đối mặt với những khó khăn, chị Mai vẫn may mắn gặp được những “nhân duyên” để tìm ra con đường riêng, đưa Hướng Mai thoát ra khỏi khó khăn.

Có lần, chị gặp một khách hàng cũ tâm sự rằng, người nhà họ bảo “từ nay trở đi đừng dùng đồ gỗ Hướng Mai nữa, vì nó làm theo cơ chế thị trường rồi”. Nhiều đêm không ngủ và nghĩ về lời nói đó, chị tìm ra con đường sáng là quay lại với những giá trị cốt lõi của đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. “Tôi thật sự biết ơn anh ấy”, chị cười nói.

Chữ “tâm”

Chị Mai nói, mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh, sứ mệnh của doanh nhân là làm giàu cho đất nước, tạo việc làm cho người lao động. Việc giác ngộ đạo Phật giúp chị kinh doanh thuận lợi hơn, trong lòng luôn cảm thấy bình yên. “Nếu phải suy nghĩ làm thế nào để cạnh tranh với doanh nghiệp khác thì sẽ phiền não. Cách duy nhất là chọn con đường dung hòa những yếu tố đó”, chị tâm sự.

Với chị, tiền kiếm được chia làm 5 loại: tiền tái đầu tư, tiền làm vốn lưu động, tiền đóng thuế nhà nước, tiền dự trữ phòng lúc ốm đau và tiền làm từ thiện, phục vụ cộng đồng.

“Hiểu được nhân quả, tất cả những hạt ta đang gieo bây giờ sau này sẽ thành quả tươi tốt. Đó là động lực để chúng ta làm điều tốt đẹp cho cộng đồng”, chị Mai nói.

Không giấu sự tự hào, chị kể rằng, chị đã quy y cửa Phật, với pháp danh Chân Tâm, tức là lấy tâm chân thật để đối đãi với mọi người.

Cũng bởi thế, showroom 9 tầng với 9.000 m2 trưng bày của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là để trưng bày sản phẩm của Hướng Mai, mà còn là nơi tôn vinh những đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Đồng Kỵ, là điểm nhấn của làng nghề thu hút khách hàng yêu đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ.

Chị Mai bật mí, chị đang lên kế hoạch hợp tác để phát triển du lịch làng nghề Đồng Kỵ. “Các làng nghề khác như Bát Tràng đã thu hút được rất nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước, vậy vì sao, Đồng Kỵ lại không? Khách du lịch có thể đến Bắc Ninh, tới thăm chùa Phật Tích, tới Đền Đô rồi ghé qua Đồng Kỵ, kết hợp tham quan và mua sắm. Đó cũng là cách để thế giới biết đến Đồng Kỵ nhiều hơn. Khao khát của tôi là mang giá trị đồ gỗ Đồng Kỵ thương hiệu Việt đến khắp năm châu”, chị Mai bộc bạch.

Trao niềm tin cho tuổi trẻ

Trong showroom của Hướng Mai, có lẽ điều khiến khách tham quan cảm thấy tò mò, thú vị là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nếu như những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo mang đậm những đường nét, hồn cốt truyền thống thì ở những khu vực, vị trí dành cho nhân viên, những tấm pano lớn như “5K là gì?”, “5S là gì?” lại đề cập những tiêu chuẩn lao động rất hiện đại.

Nghệ nhân làng nghề vốn thường chỉ đi làm vào lúc nông nhàn, lại chẳng quen phép tắc. Nhưng chị Mai đã truyền nhiệt huyết, niềm tự hào đối với các sản phẩm của mình làm ra cho những người thợ.

Chị kể, hàng năm, Hướng Mai mời những doanh nhân, nhà quản lý cả trong nước và nước ngoài tới đào tạo cho toàn bộ nhân viên về làm việc theo tiêu chuẩn 5K, 5S. Được trân trọng, được đào tạo và lao động trong môi trường chuyên nghiệp, những cộng sự của chị không còn là những người nông dân mà trở thành những nghệ nhân với tinh thần chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm sắc nét, tinh xảo.

Dù là doanh nghiệp gia đình với nghề truyền thống, nhưng chị Mai cũng chẳng ngại thuê người ngoài để “ngồi” vào các vị trí giám đốc điều hành, giám đốc sản xuất.

“Tôi vẫn luôn nghĩ tới chuyện chuyển giao thế hệ. Nhưng con trai tôi mới chỉ 28 tuổi, còn quá non trẻ để đảm nhiệm vị trí CEO, nên tôi vẫn phải đi thuê ngoài”, chị nói.

Nhưng để chuẩn bị cho việc chuyển giao này, chị đã và đang hỗ trợ cho con trai kiến thức và kinh nghiệm, sự tự tin, tạo các mối quan hệ, để con có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân thành đạt… Giống như cái cây, phải chăm bón từ nhỏ để thấm nhuần.

“Con trai tôi có khát vọng và được định hướng, nhưng rất giản dị. Con ăn mặc cũng như những người thợ”, chị tự hào.

Trong thời buổi công nghệ đang dần thay thế và giúp con người lao động hiệu quả hơn, Hướng Mai cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo chị Mai, trẻ hóa sản phẩm và cả người lao động, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị trong sản xuất, đổi mới sản phẩm để đa dạng mẫu mã, giúp số đông người dùng có thể sử dụng là hướng đi để Hướng Mai phát triển bền vững.

“Mỗi thế hệ có một sứ mệnh riêng. Được tạo động lực cho mọi người, thắp lửa cho người khác là mình cũng hạnh phúc rồi”, chị Mai chia sẻ.

Giấc mơ đưa gỗ Đồng Kỵ ra thế giới

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 4 trên thế giới, đồ gỗ Đồng Kỵ lại là những sản phẩm chất lượng, tinh xảo. Vì thế, mục tiêu của Hướng Mai là sẽ đưa sản phẩm ra thế giới.

Công ty Hướng Mai đang thăm dò thị trường, tìm hiểu thị hiếu, văn hóa của người tiêu dùng các thị trường mục tiêu để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm phù hợp, đồng thời, lo phát triển thương hiệu, tìm đội ngũ phát triển sản phẩm mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài. “Làm được điều đó, tôi tin, khả năng hội nhập của Hướng Mai sẽ cao hơn, giấc mơ đưa gỗ Đồng Kỵ ra thế giới sẽ tới gần hơn”, chị Mai nói.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *