Trước áp lực ứng dụng công nghệ vào sản xuất gỗ, doanh nghiệp vẫn kiên trì các công đoạn chạm khắc thủ công nhằm lưu giữ tinh hoa truyền thống trong sản phẩm.
Bà Vũ Thị Mai – Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai cho biết, là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống của làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), công ty luôn ý thực việc kế thừa, gìn giữ tinh hoa đồ gỗ qua bàn tay khéo léo chạm khắc tỉ mỉ của các nghệ nhân.
“Đối với nghề chạm khắc gỗ, các công đoạn hầu hết được làm thủ công. Từ lúc chọn gỗ cũng cần phải tỉ mỉ, ít cong vênh, có độ dẻo dai, khi khô không nứt và không bị mối, mọt. Sau đó, người thợ phải thực sự khéo léo và thành thạo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng phải có thần và hồn” thể hiện trên từng sản phẩm”, bà Mai chia sẻ.
Riêng đối với các sản phẩm có tính tâm linh cao như tượng Phật, tượng Thánh Thần, doanh nghiệp luôn cẩn thận từ khâu chọn gỗ, sản xuất đến đóng gói, vận chuyển, lắp đặt. Thậm chí, tổ thợ chuyên đục tượng Phật thường xuyên ăn chay, niệm Phật kể cả sau khi sản phẩm hoàn thành.
“Việc ăn chay và tụng kinh Phật trong thời gian chế tác sẽ giúp các nghệ nhân tĩnh tâm thể hiện từng nét chạm, nét khắc chính xác”, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Nắm bắt được nhu cầu tham quan du lịch giúp khách hàng có thể kết hợp mua hàng với tham quan tìm hiểu về lịch sử làng nghề, thời gian qua, làng nghề Đồng Kỵ đã đón hàng trăm lượt khách du lịch từ trong Nam, ngoài Bắc và đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…
Bên cạnh việc đầu tư chuyên sâu và kỹ thuật tay nghề, Hướng Mai cũng xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh kết hợp giữa thương mại và dịch vụ.
Công ty có 5 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, một nhà máy sản xuất chuyên nghiệp diện tích tới hơn 3.000 m2 và 2 Trung tâm thương mại Hướng Mai Center 9 tầng, tổng diện tích gần 20.000 m2 chuyên trưng bày các sản phẩm truyền thống nhằm phục vụ khách hàng cả nước và quốc tế.
Cùng với làng nghề, doanh nghiệp phát triển du lịch nhằm đưa văn hoá đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ nói riêng và của Việt Nam nói chung đến với nhiều du khách quốc tế.
Hiện, công ty tham gia tour du lịch Bắc Ninh dành cho khách trong và ngoài nước đi qua 3 điểm tham quan là Chùa Phật Tích; Đền Đô và mua sắm tại làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ.
“Đây là bước mở đầu để chúng tôi mở đường cho việc xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ sang thị trường ngoại một cách dễ dàng hơn”, bà Mai chia sẻ.
Sau gần 27 hình thành và phát triển, công ty Hướng Mai đã tạo dựng uy tín với khách hàng về những dòng sản phẩm truyền thống đa dạng, có giá trị văn hóa của làng nghề như: bộ tủ thờ, bàn ghế, tượng, các sản phẩm cung cấp cho các công trình đền, chùa… Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai luôn chú trọng đến các mẫu mã cổ có sức hút với khách hàng.
Vừa qua bà Mai đã tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam để khẳng định vị thế công ty trên thị trường nội địa. Từ đó, phát triển thương hiệu cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và làng nghề Đồng Kỵ nói chung.
CEO của Hướng Mai đã được các chuyên gia tư vấn và giải đáp về các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải và nhiều định hướng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đồ gỗ truyền thống Việt thành công tại thị trường quốc tế.
Thanh Thư