Đồ gỗ đến với con người từ thủa xa xưa, tầm quan trọng của gỗ trong đời sống con người là bất biến, đã cùng con người trải qua bao thăng trầm cuộc sống đồ gỗ đã hiện hữu và chứng minh là báu vậy vô giá của dân tộc.
Từ ngàn đời nay, cha ông ta đã sử dụng gỗ như một phần thiết yếu của cuộc sống và cho tới ngày nay khi con người đã chế tạo ra nhiều sản phẩm hiện đại có thể thay thế gỗ, nhưng gỗ vẫn luôn có chỗ đứng bền chắc trong lòng người và trên thị trường. Trong số hàng trăm sản phẩm được tạo ra từ gỗ phải kể đến những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, giá trị từ gỗ được tạo nên từ bàn tay người dân nơi đây không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nức tiếng trên thị trường Quốc Tế. Là cái nôi của nghề gỗ mỹ nghệ, các sản phẩm của làng Đồng Kỵ đã ghi dấu đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử và cho đến ngày nay làng nghề luôn tự hào vì đã gìn giữ trọn vẹn được nghề Tổ không bị thất truyền.

Theo giáo sư Hoàng Chương: “ Sản phẩm làng nghề trở thành vốn văn hóa dân tộc vô cùng quý giá, có thể coi là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Gs chia sẻ rằng, ông đã rất xúc động khi nhìn thấy bộ bàn ghế khảm xà cừ Đồng Kỵ trang trọng trong gia đình vị đại sứ Valeriu Arteni tận TP Piastraem (Rumani). Để nói lên rằng những truyền nhân của Đồng Kỵ không phụ lòng ông Tổ nghề đồ gỗ và xứng đáng là niềm tự hào của đất nước.
Với sự tự tôn dân tộc, tôi tìm về nơi khơi nguồn cảm hứng cho những mảnh gỗ vô tri trở thành bao tác phẩm gỗ mỹ nghệ mang hồn cốt của cả dân tộc. Và những con người thổi hồn vào gỗ là ai? Những đóng góp của họ để giữ gìn và phát huy nghề tổ ra sao? Có lẽ sự may mắn của duyên nợ đã cho tôi được gặp một người khi tôi đặt chân tới đất Đồng Kỵ, chị là một doanh nhân mà đối với tôi sau buổi gặp gỡ lại thầm đặt cho chị cái tên khác – Đại sứ thân thiện làng nghề Đồng Kỵ Vũ Thị Mai.
Đồng Kỵ quả không hổ danh là một trong những trọng điểm kinh tế nhất nhì tỉnh Bắc Ninh, ai đã từng đặt chân tới đây mới cảm nhận được sự sung túc của người dân làng này. Dãy phố dài với nhiều kiến trúc nhà hiện đại, bề thế, quy mô hàng 100m2, xe hơi đậu thành dãy trên vỉa hè. Cuộc sống no đủ, ấm êm gần như hoàn hảo mà đã lâu rồi trên bước đường phóng viên tôi mới cảm nhận được. Như đọc được suy nghĩ của tôi trong đáy mắt, chị Mai với nụ cười đôn hậu tận tay đưa cho tôi chén trà nóng thoảng hương sen quyện lẫn thứ mùi vị rất đặc trưng của gỗ, phòng khách ấm sực hương xuân, nét truyền thống đậm trong từng cách bài trí với những đường nét tinh sảo của đồ gỗ cứ khiến lòng người xa sứ thêm nhớ tết, nhớ quê. Chị Mai lúc này mới bảo tôi rằng:” Em về đây cũng như về nhà, người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Đến với làng ai cũng đều là khách quý cả, em muốn biết gì về làng gỗ Đồng Kỵ thì không riêng chị mà ai ai cũng sẵn lòng giúp em”.
Theo chân chị, tôi đi từ bất ngờ này đến sự thán phục khác, nơi trưng bày sản phẩm của công ty Hướng Mai do hai vợ chồng chị làm chủ rộng 1680m2, 6 tầng, trưng bày rất phong phú và được mô hình hóa khiến người xem dễ hình dung, dễ lựa chọn cho phù hợp không gian cụ thể nhà ở hoặc cơ quan. Một siêu thị 9 tầng đang được xây lên ngay đầu làng cũng là minh chứng cho sự thành công từ bàn tay và khối óc vợ chồng người nữ doanh nhân. Chị Mai tận tình chỉ cho tôi cùng những người khách đến mua hàng về dấu hiệu nhận biết đồ Đồng Kỵ thật là thế nào, thứ nhất: gỗ phải là các loại gỗ nhóm 1 như : Gụ, Hương, Trắc, Mun. Thứ hai phong cách phải theo lối giả cổ, vì theo lối này thì hàng giả cổ không bị “lỗi mốt” và hàng không bị cũ đi vì có cũ đi thì cũng chỉ tăng thêm giá trị. Thứ ba đồ gỗ Đồng Kỵ mang nét tinh túy của nghệ thuật điêu khắc cổ xưa, từng đường nét trạm trổ đều rất khéo léo, tinh vi, chau chuốt mịn màng đến sinh động chứ không khô và thô như một số đồ gỗ khác.
Để tôi có những hình dung tốt nhất về công việc đồ gỗ, chị nhiệt tình đẫn tôi đến thăm quan xưởng sản xuất. Nơi đây việc sản xuất đã trở thành quy trình nên thợ làm theo từng ekip. Hàng trăm thợ làng nghề, hàng chục nghệ nhân chăm chỉ, tỷ mỉ như đổ hết hồn vào sản phẩm. Nhìn những người thợ hăng say tay đục, tay mài, dường như ai cũng đang thăng hoa trong từng sản phẩm, tôi chăm chú nghe chị giới thiệu từng giai đoạn của một sản phẩm và thi thoảng lại hỏi han các bác thợ. Tôi thấy trong mắt họ không có sự phân biệt chủ thợ, mà chỉ có sự tôn trọng, kính nể và trên hết là tình dân nghĩa làng vẫn như truyền thống vốn có của người xứ Quan họ, tôi tự nhủ ; phải chăng đây chính là một bí quyết để xưởng sản xuất của chị luôn quy tụ những tay thợ giỏi khắp gần xa? Tò mò tôi hỏi về con đường khởi nghiệp, chị cười nói vui: “Chị khởi nghiệp từ khi còn trong bụng mẹ, nghe tiếng đục, tiếng mài là biết ngay mình làm nghề gì (cười), sinh ra trong cái nôi làng nghề nên từ nhỏ nghề gỗ đã ăn sâu vào tiềm thức, chị đã ấp ủ hoài bão kinh doanh từ đó. Khi lập gia đình hai vợ chồng đều có chung một hướng phấn đấu là quyết theo nghề cha ông. Có lẽ bởi vậy nên động lực càng mạnh, may mắn và thành công cũng tìm đến”. Tôi biết may mắn là do khiêm tốn, còn thành công là do nội lực của anh chị làm nên, thời kỳ cả Đồng Kỵ oằn mình vì hứng chịu bão kinh tế, có một thứ mà anh chị luôn nung nấu, luôn đau đáu là một sản phẩm đồ gỗ do cơ sở Hướng Mai sản xuất, chị coi đó là một tác phẩm, do đó mà dù khó khăn nhưng anh chị vẫn khẳng định được thương hiệu trong lòng người yêu đồ gỗ Đồng Kỵ. Đã 22 năm bền bỉ, cơ sở chị chiếm lĩnh được tình cảm của khách hàng gần xa, thông qua khách hàng tư giới thiệu, ngày càng nhiều người tìm đến mua, niềm tin cứ thế nhân lên cho thương hiệu đồ gỗ Hướng Mai.
Ngày đông thật ngắn, mới đó mà đã xế chiều, chị Mai quyến luyến mời tôi ở lại để có thời gian chị kể tôi nghe về đồ gỗ, những chuyện từ tấm bé chị đã được nghe, mà tôi không thể nhận lời. Nhìn gương mặt phúc hậu, nghe câu nói thành thật tôi hứa sẽ trở lại, sẽ gặp lại chị, gặp lại những con người chăm chỉ, chịu thương chịu khó, giỏng giang và sáng tạo. Bất chợt tôi nhớ đến câu nói của chị, câu nói như một tâm nguyện lớn lao :“ Đất nước mình còn nghèo, lắm khi đồ gỗ Đồng Kỵ đẹp và nổi tiếng khắp đó đây nhưng vì chi phí đắt đỏ nên dân mình còn chưa có điều kiện để gia đình nào cũng được sở hữu một bộ bàn ghế Đồng Kỵ, ước cho dân mình giàu lên, cuộc sống sung túc, đủ đầy, khi ấy chị sẽ thật hạnh phúc khi được đem sản phẩm đồ gỗ phục vụ chính đồng bào mình, để họ biết rằng đồ gỗ Đồng Kỵ thực sự là báu vật mà cha ông để lại ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *