Làng nghề Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh xưa nay vốn nổi tiếng khắp cả nước về nghề đồ gỗ mỹ nghệ và đây cũng chính là mãnh đất đã nuôi dưỡng tình yêu các sản phẩm của làng nghề đối với nữ doanh nhân Vũ Thị Mai. Trải qua hơn 26 năm gắn bó và trưởng thành từ chính “cái nôi” của làng nghề, bà Mai đã gây dựng thành công thương hiệu đỗ Hướng Mai và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa các sản phẩm của Làng Đồng Kỵ ra khắp thế giới.

Đến làng Đồng Kỵ, hỏi thăm đường đến trung tâm thương mại đồ gỗ Hướng Mai dường như không ai là không biết và thường được nói đến với cái tên rất gần gũi, đồ gỗ của  “vợ chồng nhà Hướng Mai”. Hỏi ra mới biết Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai chính là thành quả trong suốt 26 năm của vợ chồng bà Vũ Thị Mai và ông Chử Văn Hướng. Nắm trong tay có trung tâm thương mại Hướng Mai Center 9 tầng với tổng diện tích  10.000 m2 chuyên trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, 3 xưởng sản xuất với hơn 200 nghệ nhân. Bà Mai cùng công ty đang chuẩn bị những bước đi quan trọng để mở rộng, phát triển và đưa các sản phẩm của mình xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới.

Những khó khăn bà gặp phải khi mới bắt tay vào khởi nghiệp là gì? 

Vào thời điểm những năm 1989 -1990 khi bắt đầu lập gia đình và tiếp quản xưởng sản xuất đồ gỗ do các cụ để lại. Lúc bấy giờ khó khăn, chật vật lắm. Tôi và chồng ban đầu chỉ dám nhận đơn hàng về gia công theo ý khách hàng, sau mới mày mò chế tác theo mẫu mã của mình sáng tạo ra. Mấy năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên bỡ ngỡ lắm, không ít lần bị khách hàng “xù” tiền công. Thậm chí còn bị lừa mất hết vốn liếng. Thế nhưng, lúc đó vợ chồng bảo nhau “còn người, còn của”, nên lại bắt tay làm lại từ đầu (Cười)

Bà đã bắt đầu lại từ đầu như thế nào và gặp những khó khăn gì?

Khi lập nên công ty đồ gỗ Hướng Mai thì cũng là lúc nền kinh tế gặp khủng hoảng, đồ gỗ mỹ nghệ bão hòa, người tiêu dùng chỉ chạy theo hàng giá rẻ. Có thời gian dài, công ty phải làm gia công cho Trung Quốc với giá rẻ và chịu thua lỗ nặng nề. Tôi nhận thấy, nếu cứ mãi như thế này thì sẽ không khá lên được. Tôi quyết định bỏ làm gia công, không làm hàng đại trà, hàng giá rẻ nữa mà tập trung vào làm các sản phẩm có chất lượng cao, tinh xảo và mang đậm văn hóa người Việt. Tôi tập trung vào nâng cấp chất lượng sản phẩm, đào tạo và nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khó khăn nhất là việc thay đổi thói quen của những người nghệ nhân xưa nay quen làm hàng ẩu, hàng đại trà bán với giá rẻ. Vì vậy, công ty lại bỏ tiền đầu tư nguyên vật liệu và thời gian để các nghệ nhân học việc, nâng cao tay nghề. Nhưng tôi vẫn kiên trì, bởi tôi tin đây là con đường duy nhất để các sản phẩm của công ty tìm được chỗ đứng cho mình. Và đến nay, tôi đã làm được !

Hướng Mai hiện là một trong những thương hiệu đồ gỗ nổi tiếng nhất nhì tại làng Đồng Kỵ. Bà còn trăn trở gì trong việc phát triển doanh nghiệp nữa hay không?

Còn nhiều lắm! Tôi vẫn luôn nghĩ rằng làm sao để phát triển thương hiệu làng nghề và làm sao để Hướng Mai có thể phát triển hơn nữa và thâm nhập vào thị trường xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ thế giới. Từ đó, không chỉ giới thiệu những tinh hoa nghề tổ của làng Đồng Kỵ mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân làng nghề. Từ đó góp phần xây dựng quê hương hơn nữa.

Bà đang làm gì để hiện thực hóa những mong muốn này của mình?

Hiện nay, Hướng Mai Center đang được xây dựng không gian trưng bày phỏng theo lối giả cổ, bên cạnh đó là những tác phẩm mang phong cách đặc biệt phù hợp với văn hóa của các nước trên thế giới. Chính tôi là người chủ trì dẫn các đoàn tham quan đến thăm làng nghề Đồng Kỵ, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, các sản phẩm mang văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. Đây là một tiền đề quan trọng để tôi chuẩn bị cho chiến lược dài hạn của mình, đó là đưa các sản phẩm của làng gỗ Đồng Kỵ Bắc Ninh ra khắp năm châu bốn bể. Và muốn các sản phẩm của Đồng Kỵ đua tranh được với thế giới, tôi đang chú trọng vào việc nâng cao chất lượng tay nghề của các nghệ nhân, đồng thời phát triển du lịch tại làng nghề.

Với cá nhân thì bà đang làm gì để dẫn dắt doanh nghiệp khi bước sang giai đoạn mới?

Bản thân tôi luôn đề cao sự học hỏi lên hàng đầu, chính mình phải hoàn thiện và nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng. Tôi đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để học tập, trau dồi kỹ năng quản trị, lãnh đạo và xác định tầm nhìn, chiến lược cho doanh nghiệp. Tháng 12 năm 2016 vừa qua, tôi đã tham gia chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công của VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và thử thách mình với chủ đề: “Mua bán sáp nhập – Đa dạng hay tập trung”. Với sự tư vấn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, bà và doanh nghiệp đã có thêm nhiều giải pháp hữu ích cho việc phát triển và mở rộng thời gian sắp tới. Tham gia CEO – Chìa Khóa Thành Công, tôi trả lời được các câu hỏi: Làm sao để doanh nghiệp mình dẫn đầu? Làm sao để vực dậy doanh nghiệp trong lúc khó khăn? Và làm sao để đưa doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Thương hiệu của Hướng Mai cũng được khẳng định và lan tỏa rộng rãi hơn.

Sau 26 năm trên thương trường bà có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang khởi nghiệp nói riêng và các Doanh nghiệp trẻ nói chung?

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng: Làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở. Bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại rất ngắn, đừng thấy khó mà bỏ ngay, bởi vì cái gì cũng khó cả. (Cười). Và khi các bạn trẻ lập nghiệp nên vạch ra cho mình một mục tiêu nhất định, vị trí của doanh nghiệp mình ở đâu trong tương lai? Hãy chọn cho mình một lẽ sống mà để khi nhìn lại mình cảm thấy sự nỗ lực và cố gắng ấy có giá trị, không bao giờ hối hận với lựa chọn của chính mình.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *