1. Thực ra, Đồng Kỵ đã là cái tên nức tiếng lâu nay. Nức tiếng là một làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ thuộc diện giàu nhất nhì Việt Nam, với rất nhiều tỷ phú, nhiều nhà cao tầng, nhiều xế hộp… Và ở cái làng ấy, không mấy người không biết đến vợ chồng nhà Hướng Mai, cũng thuộc diện giàu có, thành đạt trong vùng.
Không biết mới lạ, bởi Công ty Hướng Mai do vợ chồng bà Vũ Thị Mai làm chủ có tới 3 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, diện tích tới 2.000 m2. Chưa kể, còn có Trung tâm Thương mại Hướng Mai Center 9 tầng, tổng diện tích gần 10.000 m2, chuyên trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ nhằm phục vụ khách hàng cả trong nước và quốc tế.
Doanh nhân Vũ Thị Mai: Làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở. |
Quy mô bề thế, nên không chỉ người làng Đồng Kỵ biết, mà nhiều khách hàng suốt dọc dài đất nước, những người mê gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đều biết Hướng Mai. Và điều ấy cũng đủ để hiểu, Hướng Mai đã thành công như thế nào trong những năm qua. Ở cái trung tâm thương mại ấy, khách ra vào nườm nượp. Còn ở xưởng sản xuất, lúc nào cũng có ít thì 200, nhiều thì 300 nghệ nhân miệt mài làm việc. Và hẳn nhiên, Vũ Thị Mai cũng là một tỷ phú ở đất Đồng Kỵ. Nghe kể, doanh thu của Công ty Hướng Mai cả chục tỷ đồng mỗi năm.
Cười rất tươi, bà Vũ Thị Mai tự hào chỉ cho chúng tôi xem những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của xưởng nhà. Không phải là đồ chế tác gia công một cách cẩu thả kiểu hàng chợ, tất cả các sản phẩm đều được chế tác tinh xảo, tỉ mỉ, chạm trổ sinh động dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân giỏi, nên nó có hồn có cốt, mang tâm hồn, trái tim người Việt, như bao sản vật của các làng nghề truyền thống khác.
2. Nhưng đấy là chuyện của bây giờ, của sau này. Còn hai mươi mấy năm trước, tức là vào thời điểm những năm 1989 – 1990, khi bắt đầu lập gia đình và cùng chồng khởi nghiệp, thì khó khăn bộn bề lắm. Mà nói là “khởi nghiệp” thì không hẳn, bởi với bà Mai, cái nghiệp gỗ đã gắn với bà từ lúc còn… trong bụng mẹ.
Làng Đồng Kỵ làm đồ gỗ từ xửa xưa, gia đình bà cũng thế. Thế nên, thuở ầu ơ còn nằm trong nôi, đã đêm ngày nghe tiếng đục, tiếng mài, tiếng chạm trổ gỗ. Cái “nghiệp gỗ” đã ăn vào máu từ hồi ấy. Hoài bão nối nghiệp ông cha cũng đã được nuôi từ thuở còn thơ bé. Đến khi lấy chồng, khi cả hai cùng chí hướng theo nghiệp ông cha, thì cùng quyết tâm làm.
Tưởng đơn giản, nhưng rồi vấp phải bao chướng ngại. Đầu tiên chỉ dám nhận đơn hàng về gia công rồi trả cho khách hàng, sau mới mày mò tự chế tác theo mẫu của mình. Nhưng ai dè, gặp phải kẻ lừa đảo, mất trắng cả trăm triệu. Thời ấy, những năm 2000 – 2001, trăm triệu đồng rất lớn. Tiền mất, của đau con xót, nhưng rồi vẫn cắn răng mà chịu, vẫn phải cười để rồi từng bước vượt qua khó khăn.
“Hồi ấy, người làng cứ lạ là làm sao nhà Hướng Mai bị lừa nhiều tiền thế mà vẫn thấy nó cười… phớ lớ”, bà Mai cười sảng khoái, kể lại như vậy. Cũng phải, nếu không lạc quan, không biết mỉm cười trước mọi thách thức thì làm sao Hướng Mai có được ngày hôm nay.
Mất tiền thôi chưa đủ, cái khó nhất với bà Mai chính là phải cạnh tranh ngay chính với các xưởng sản xuất khác trong làng nghề. Đành là “chơi” một cách sòng phẳng. Thời điểm này, không ít xưởng gỗ chỉ sản xuất gia công mà thiếu đi sự tinh xảo, thiếu đi cái hồn cốt lâu đời của gỗ Đồng Kỵ, rồi bán với giá rẻ. Cũng có lúc thị trường khó khăn, chính những xưởng gỗ ấy phải bán cho thị trường Trung Quốc với giá còn rẻ hơn nữa.
“Tôi không chọn cách làm ấy, mà quyết định đi theo một hướng đi riêng. Phải xây dựng thương hiệu riêng cho gỗ Hướng Mai – Đồng Kỵ. Sản phẩm của tôi phải là hàng thật, chế tác tinh xảo và tỉ mỉ. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự”, Vũ Thị Mai – người nông dân chính hiệu của một làng nghề truyền thống ngay từ hồi ấy đã có tầm nhìn xa vậy.
Nghĩ là làm. Nhưng cái khó là thợ Đồng Kỵ khi ấy đã quen tay làm nhanh, làm ẩu. Thế là Vũ Thị Mai thay vì trả công khoán, quyết định trả công nhật. Thậm chí chấp nhận cả việc một sản phẩm đáng lẽ chỉ làm trong 10 ngày đã đẹp, thì có khi phải trả công cho thợ cả tháng. Làm riết rồi quen, thợ của Hướng Mai càng ngày càng tỉ mỉ, chăm chút cho sản phẩm phẩm của mình. Họ biết thổi hồn vào những sản phẩm ấy và yên tâm vì sẽ được trả công xứng đáng.
“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đến sản phẩm, đến tác phẩm nghệ thuật của mình, làm sao cho thật đẹp, tinh tế, chứ không nghĩ đến chuyện tiền công đắt hay rẻ nữa”, bà Mai cười.
Nhưng làm thế cũng có nghĩa chấp nhận chẳng có lời lãi, thậm chí là lỗ vốn. Mấy ai dũng cảm được như thế. “Nhưng bây giờ nhìn lại thì mới thấy là tôi đã đúng”, bà Vũ Thị Mai nói.
Cũng phải, nghệ nhân làng nghề vốn thường chỉ đi làm vào lúc nông nhàn. Lại chẳng quen phép tắc, quy củ. Nhưng “vào tay” bà Mai, tất cả đâu vào đấy hết. Bởi bà biết cách truyền nhiệt huyết, niềm tự hào đối với các sản phẩm của mình làm ra cho những người thợ. Họ không chỉ là những người thợ đục, chạm đơn thuần nữa, mà thực sự trở thành các nghệ nhân tài hoa. Được trân trọng, được trả công xứng đáng, những nghệ nhân ấy càng thỏa sức sáng tạo những sản phẩm đồ gỗ Hướng Mai tinh tế đến tuyệt vời. Nhờ thế, khách hàng khắp dọc dài đất nước, thậm chí cả khách nước ngoài cũng tìm đến đồ gỗ Hướng Mai.
Có được cơ ngơi như hôm nay, cũng là nhờ những khách hàng đã tin tưởng vào những “tác phẩm nghệ thuật” của đồ gỗ Hướng Mai.
3. Xinh đẹp, nhanh nhẹn và cởi mở. Ai lần đầu gặp bà Mai cũng có nhận xét như vậy. Nhưng hơn 26 năm lăn lộn trên thương trường, để thành công được như bây giờ, nhiều người bảo, bà Mai hẳn phải có bản lĩnh lắm, bản lĩnh thép chứ không ít. Bởi thế, gặp rồi chuyện trò, thăm xưởng chế tác và cả khu trưng bày sản phẩm của Công ty Hướng Mai, càng thấy yêu mến hơn vẻ đằm thắm nhưng đầy bản lĩnh của “bông hồng thép” Vũ Thị Mai.
Không ngoa khi nói rằng, Vũ Thị Mai chính là “nữ tướng” của làng nghề Đồng Kỵ. Bởi không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, khát vọng cháy bỏng trong bà đó chính là làm sống dậy một làng nghề Đồng Kỵ. Bà đã cùng rất nhiều nghệ nhân khác trong làng làm được điều đó. Ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn, người tiêu dùng Việt quay lưng với đồ gỗ Đồng Kỵ, Vũ Thị Mai vẫn quyết tâm làm và “thổi hồn Việt” vào trong những sản phẩm gỗ tưởng vô tri ấy.
Đã có những thành công, đã thành danh, nhưng trong người phụ nữ quyết đoán và nhanh nhạy này còn nhiều điều ấp ủ. Vẫn đau đáu làm sao phát triển thương hiệu làng nghề? Làm sao để Công ty Hướng Mai phát triển mạnh mẽ hơn nữa? Làm sao để tay nghề chạm khắc gỗ của những nghệ nhân Đồng Kỵ không bị mai một?… Những câu hỏi cứ không thôi day dứt nữ doanh nhân này.
Vì thế, Vũ Thị Mai đang dự định xây dựng một trường dạy nghề cho con cháu trong làng. Dù có làm gì thì con người ta cũng phải làm từ gốc. Đất 3.000 m2 đã được mua, một nửa làm nhà xưởng, nửa còn lại sẽ để xây trường đào tạo nghề… Kế hoạch gần lắm, đâu đó sang năm thôi, trường học này sẽ bắt đầu được khởi công… “Tôi còn mong muốn mang giá trị đồ gỗ Đồng Kỵ thương hiệu Việt đến khắp năm châu”, bà Mai chia sẻ.
Vậy là đã đến thời những người nông dân Việt đã sẵn sàng hội nhập với thế giới.
“Bí quyết của tôi đơn giản lắm. Làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở”.
Đừng từ bỏ, đừng bỏ dở. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tin những người đầy nhiệt huyết và sự thông minh như bà Vũ Thị Mai sẽ làm được điều đó. Sẽ đưa được thương hiệu gỗ Đồng Kỵ đến với thế giới.
Trò chuyện với nữ doanh nhân Vũ Thị Mai
Bí quyết thành công của bà?
Làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết. Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở.
Điều gì làm nên sự khác biệt của đồ gỗ Hướng Mai – Đồng Kỵ?
Sản phẩm của tôi phải là hàng thật, chế tác tinh xảo và tỉ mỉ. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Bà mong muốn điều gì cho tương lai đồ gỗ Đồng Kỵ?
Tôi mong muốn mang giá trị đồ gỗ Đồng Kỵ thương hiệu Việt đến khắp năm châu.